Hôm Chủ nhật 14 tháng 8 vừa rồi, lòng yêu nước thể hiện bằng
hành động của người dân Việt – một lần nữa – tái diễn khá suông sẻ tại Hà Nội.
AFP photo. Từ trái sang: Các ông Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Văn Khải, nhà
văn Nguyên Ngọc tham gia đoàn biểu tình chống Trung Quốc ở trung tâm Hà Nội vào
ngày 14 tháng 8 năm 2011.
Nhiều gương mặt mới
Công an tạm thời ngưng thực hiện “cú đạp lịch sử”, tạo điều
kiện để - theo lời kể khá lạc quan của blogger Anhbasàm – “có rất nhiều gương
mặt mới, rất nhiều khẩu hiệu mới, đặc biệt có cả tiếng Anh cho du khách ngoại quốc
tha hồ mà chụp hình, gởi cho bạn bè, nhưng lại ít nhân viên an ninh, cảnh sát
hơn, đó là nét mới trong cuộc biểu tình. Đúng 10 cuộc tại Hà Nội rồi! Hiện
tượng chưa từng có trong lịch sử nước nhà”.
Blogger Nguyễn Trọng Tạo dù sau 8 ngày nằm viện vì “sốt li
bì, mất nước, tiểu cầu giảm nửa” và đang hồi phục, cũng ráng… “đi ăn bún rồi ghé
ngang qua biểu tình”, mới thấy “rất nhiều người nổi tiếng tham gia biểu tình.
Họ là giáo sư, tiến sĩ, nhà văn, nghệ sĩ, nhà kinh tế, nhà khoa học của đất
nước…Thấy cả sinh viên Nguyễn Anh Tuấn (người từng gửi Đơn tự thú “tội” tàng
trữ các tài liệu của TS Cù Huy Hà Vũ).
Theo lời nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo - nguyên văn -
“Những gương mặt khiến tôi thật sự ngẫm ngợi. Và những người tôi không quen
biết, họ vẫn ngày ngày lo toan công việc, nhưng lòng yêu nước thì không bao giờ
thiếu vắng. Tôi trở về nhà, tiếp tục truyền nước và trong đầu vẫn vang vang hai
tiếng Việt Nam Việt Nam…”
Còn Saigon thì sao? Saigon, nói theo
lời cư dân mạng tên X.O. được nhiều trang blog phổ biến, thì “Saigòn nắng nhẹ
và…hết !”.
Theo lời kể của X.O. thì “chính quyền Sài gòn, cụ thể là
quận 1 đã lo khá xa. Cũng như các sáng chủ nhật thường lệ, công an phường – cơ
động được huy động đứng đầy ngay góc Hồ Con Rùa, góc Phạm Ngọc Thạch – Nguyễn
Văn Chiêm, góc Hai Bà Trưng – Nguyễn Văn Chiêm, quân số tầm 2 tiểu đội cơ
động…chắn chốt tụ điểm. Nói chung an ninh Sài gòn làm việc rất chỉnh chu, có
tới mấy lớp gác, nếu lấy tâm là Lãnh sự quán tàu…Không thấy công an chìm làm
căng với các bạn trẻ cầm máy ảnh như cách đây 1 tháng, hôm nay XO thấy mọi
người chụp hình thoải mái ngay khu vực nhà thờ Đức Bà, họ chụp… cảnh, chân dung
và…hết”. Và X.O. bày tỏ quan ngại rằng “…dân Sài gòn đã hoặc bị ép quên biểu
tình rồi, chỉ còn ngóng tin tức từ thủ đô yêu dấu mà thôi”.
Trước tình hình như vậy, tác giả Thanh Nam,
khi gởi cho blogger Quê Choa bài “Biểu tình trên phố “CÒM” ( tức computer), cho
biết anh
“quyết định tạm biệt phố “CÒM” để hòa mình vào dòng người
biểu tình yêu nước” sau khi chứng kiến hình ảnh những người biểu tình “bị dồn
đẩy thô bạo lên xe buýt, bị khiêng như súc vật, bị chà đạp không thương tiếc…”.
Tác giả giải thích:
"Để khám phá bản thân và có cơ hội chứng kiến những
thời khắc lịch sử, không gì tốt hơn là trực tiếp tham gia vào quá trình vận
động kiến tạo ra nó. Hãy đứng lên đi, sơn hà nguy biến, xin đừng vô cảm, đừng
ngồi mãi ở đó mà băn khoăn với những câu hỏi: “Biểu tình lai rai thì đi đến
đâu?“, “Đằng sau biểu tình là cái gì?” hay “Biểu tình chỉ mãi đi trên vỉa hè
hay sao?” … Tôi tin rằng khi đã hoà mình vào dòng người biểu tình yêu nước
chống quân Trung quốc xâm lược, các bạn sẽ chiêm nghiệm được những cảm xúc diệu
kỳ và mỗi chúng ta sẽ tìm ra những câu trả lời xác đáng cho riêng mình."
Theo blogger Mẹ Nấm thì khi hòa vào dòng người thể hiện lòng
yêu nước, mang theo băng rôn, biểu ngữ, hô to những khẩu hiệu chống TQ xâm
lược, hát vang những bài ca ái quốc…, Mẹ Nấm cảm nhận một “cảm xúc thật khó
tả”, thấy “ người Việt thật đẹp, thật rạng ngời”. Đó là lần blogger Mẹ Nấm trực
tiếp tham gia biểu tình tại Hà Nội vừa rồi sau khi “lỡ hẹn” với những cuộc biểu
tình ở Saigòn vì lý do Mẹ Nấm gọi là “lãng nhách” mà mọi người đã biết. Mẹ Nấm
mô tả:
"Một cảm xúc thật khó tả. Có lẽ, cảm xúc mấy năm trước
đây được gợi lại và hơn thế nữa, bên cạnh tôi là sự tham gia đông đảo các thành
phần. Các bạn trẻ nhiệt tình hăng say đã đành, còn có các trí thức cấp tiến.
Thật đáng quý và đáng trân trọng.Vậy thì, câu hỏi biểu tình để làm gì có nghĩa
gì với tôi không? Liệu có ai đó đặt ra cho riêng tôi câu hỏi này hay cho toàn
dân? Cho một số người đứng ra tổ chức hay cho giới trí thức nhân sỹ nói
riêng..??
Khi hỏi, tức là người đặt ra câu hỏi còn băn khoăn với hành
động biểu tình, với cách thể hiện lòng yêu nước của rất nhiều người. Với tôi,
câu trả lời mà tôi cho là đúng nhất rằng: “hãy sống thật với cảm xúc của chính
mình, bằng cách thể hiện luôn, hành động ngay những gì mà mình đang nghĩ, vừa
nghĩ là phải nên hành động”.
Hạnh phúc khi biểu tình
Biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội ngày 14-08-2011. Courtesy NguyenXuanDien.
Giữa lúc tình hình biểu tình hiện nay một mặt bị giới cầm
quyền nói chung ngăn chận chặt chẽ, mặt khác xem chừng như chưa có nhiều khí
thế, khiến có ý kiến “phán” rằng số người biểu tình lần sau ít hơn lần trước,
thậm chí “biểu tình lai rai”, blogger Mẹ Nấm nhận xét về vấn đề này:
"Bỏ qua những “nô lệ trí thức” phát biểu. Thì những
người nói ra như thế liệu có được đáng “chiêm ngưỡng” những hình ảnh đẹp về các
cuộc biểu tình, có đáng được hưởng hiệu quả những cuộc biểu tình mang lại hay
không? …Với những kẻ xuyên tạc thông điệp của những cuộc biểu tình thì chả đáng
nói thêm nữa. Tôi đã đi biểu tình, đã tiếp xúc với những người cùng tham gia.
Có những điều mà nói ra ai cũng hiểu, nhìn thấy ai cũng biết. “Sơn hà nguy
biến, xin đừng VÔ CẢM”, một thầy giáo già đã mang câu này trong hành trình đi
biểu tình. Bác ấy nói với tôi bác không phải ở Hà Nội, nhưng bác vẫn về đây để
tham gia biểu tình, bởi trong số những người học trò của bác, nay đã có người
làm trong Bộ Chính trị, và họ dường như chẳng quan tâm mấy đến sự an nguy của
dân tộc mình".
Blogger Quê Choa, qua bài “Khi Nguyên Ngọc xuống đường”,
nhận xét rằng nhà văn lão thành Nguyên Ngọc xuống đường vừa rồi là vì “đớn đau
uất ức không chỉ vì nước lân bang, chính vì nhìn thấy đồng bào ông bị đánh chết
giữa ban ngày, bị đạp vào mặt khi họ xuống đường chỉ để thể hiện lòng yêu nước”
khiến ông phải thốt lên rằng “có gì như là dấu hiệu của sự tận cùng.”. Và
blogger Quê Choa nhận xét tiếp:
"Ông xuống đường để cùng đồng bào cất cao tiếng thét
của một người yêu nước trước những gì “ông bốn tốt” đã làm, cũng là muốn nói
với đồng đội của ông, đồng chí của ông rằng sự nhân nhượng đã chấm dứt, giờ đây
hãy biết đứng thẳng lên… Giờ đây nếu ngồi yên cao giọng lý lẽ quanh co lại càng
chứng tỏ điều này: sự bạc nhược đớn hèn.
Tôi tin rằng khi đã hoà mình vào dòng người biểu tình yêu
nước chống quân Trung quốc xâm lược, các bạn sẽ chiêm nghiệm được những cảm xúc
diệu kỳ và mỗi chúng ta sẽ tìm ra những câu trả lời xác đáng cho riêng mình.
Thanh Nam,
blog Quê Choa

