Phần đọc thêm 12
Dương Văn Minh
Vài dòng giới thiệu :
Tôi vừa nhận được bài
viết mới của GS Tôn thất Thiện Trong cùng một mục đích
vạch sai lầm của Hoa Kỳ và một số tướng lãnh Việt Nam
Cộng Hoà làm đảo chánh,... giết chết một cách hết sức dã
man TT Ngô đình Diệm và ông cố vấn Ngô đình Nhu, mà đầu
sỏ là tên Big Minh xin phép GS Tôn thất Thiên cho tôi được đưa
vào phần đọc thềm trong Đôi dòng nhìn lại Tổng Thống Việt
Nam Cộng Hoà Ngô đình Diệm.
Trân trọng
Cộng Sản Nghĩ Sao Về Tổng Thống Ngô Đình Diệm?
Tác Giả : Tôn Thất Thiện
Thứ Năm, 29 Tháng 4 Năm 2010
Trong những năm qua, tôi đã có nói cho anh em biết một số
nhận định của các lãnh tụ cộng sản khi được tin về vụ Tổng Thống Ngô
Đình Diệm bị đảo chánh và sát hại.
Các lãnh tụ Việt Cộng Miền
Nam, như Nguyễn Hữu Thọ, hoặc Miền Bắc, như Võ Nguyên Giáp, và cả
ông Hồ Chí Minh, đều có nhận định về biến cố này.
Hôm nay, tôi nhắc lại những
nhận xét đó, và thêm vào đó, tôi xin kể thêm vài chuyện mà chính tai
tôi đã được nghe, đặc biệt là nhận định của Ông Hồ Chí Minh, từ
miệng một người đã được nghe chính Ông Hồ nói.
Có biết những chuyện này mới
có chất liệu để trả lời cho những người lập luận rằng "giết Ông Diệm
là một điều cần để trừ hậu vận".
Nhưng nay thì rõ ràng rằng đó
là lỗi lầm tầy trời của một số nhân vật, quân sự và dân sự, đối với
dân tộc Việt Nam, không những đối với hai triệu người đã phải bỏ
quê hương đi tìm nơi an thân, mà ngay cả mấy chục triệu người Miền
Nam đang phải sống trong ô nhục, đàn áp, đói rách, mà chế độ cộng
sản đã áp đặt lên họ.
Tôi kể lại sau đây những
tường thuật của báo chí và học giả, mà tôi đã có dịp nhắc đến trong
bài điểm sách "The Year of the Hare" của Giáo Sư Francis Xavier
Winters năm 1999 cho tạp chí Ấn Độ "World Affairs": " Một quan điểm
mới về vụ đảo chánh tháng 11, 1963: Ngô Đình Diệm không phải là kẻ
tác quái mà là một nạn nhân của thực dân" (Bài này đã được dịch ra
tiếng Việt, in ra và phát cho người dư. Lễ Tưởng Niệm Tổng Thống năm
1999). Tôi xin trích lại mấy đoạn sau đây:
"Khi đuợc tin ông Diệm bị lật
đổ, Hồ Chí Minh nói với ký giả cộng sản danh tiếng, Wilfrid
Burchett: "Tôi không thể ngờ rằng tụi Mỹ ngu đến thế ".
"Khi tướng Võ Nguyên Giáp và
những đồng chí còn sống sót của ông gặp Ông McNamara ở Hà Nội tháng
11 năm 1995, họ nói rằng: "Chính sách Kennedy ở Việt Nam sai lầm hết
chỗ nói. Ngô Đình Diệm là một người có tinh thần quốc gia, không
khi nào ông chịu để cho người Mỹ dành quyền điều khiển chiến tranh,
và sự người Mỹ dành quyền đã đưa người Mỹ đến thất bại đắt giá.
Cho nên, kết quả của cuộc đảo
chánh lật đổ ông Diệm năm 1963 là sự kết thúc sớm [sự hiện diện]
Hoa Kỳ ở Việt Nam, một điều đáng làm cho người ta ngạc nhiên"
"Và đài phát thanh Hà Nội
nói: "Do sự lật đổ Ngô Đình Diệm và em ông là Ngô Đình Nhu, tụi đế
quốc Mỹ đã tự mình hủy diệt những cơ sở chính trị mà họ đã mất biết
bao nhiêu năm để xây dựng"
"Về phía các lãnh tu. Mặt
Trận Giải Phóng Miền Nam thì họ không ngờ là họ lại may mắn như
thế. Nguyễn Hữu Thọ nói với báo Nhân Dân: "Sự lật đổ Diệm là một món
quà mà Trời ban cho chúng tôi."
Và Phó Chủ Tịch Trần Nam
Trung nói: "Tụi Mỹ quyết định đổi ngựa giữa dòng. Chúng sẽ không
khi nào tìm được một người hữu hiệu hơn Diệm."
Trên đây là chuyện báo chí
và học giả ngoại quốc kể lại. Bây giờ tôi xin kể ba chuyện mà chính
tôi đã được tai nghe mắt thấy từ những người trong cuộc. Những
chuyện này vừa có một giá trị nhân chứng, vừa có một giá trị lớn về
lịch sử, và đối với chúng ta, những người kính mến Tổng Thống, nó
làm cho ta hãnh diện là "Diemiste" (Năm 1955, ở quảng trường
Trocadéro, Paris, một người Pháp mắng tôi là "espèce de Diemiste", khi
vượt xe tôi, vì ông ta cho rằng tôi đã cản đường xe ông, và tôi rất
lấy làm hãnh diện bị mắng như vậy...)
1/ Trong những năm trước
1963, trong số kỷ giả Mỹ ở Sài Gòn có ông Keyes Beech, đặc phái viên
của báo Chicago Tribune, một nhà báo rất được kính nể. Năm 1963 ông
này không vào hùa với đám ký giả chống Tổng Thống. Sau 1963, ông
vẫn được ở lại Sài Gòn, và ông vẫn thân thiện với tôi. Ông thỉnh
thoảng mời tôi đến nhà ông ấy ở gần Bộ Ngoại Giao ăn cơm. Một hôm,
trong những chuyện ông kể tôi nghe có chuyện sau đây.
Ông nói: "You know, on the
afternoon of the day President Diem was overthrown, I was in a bar in
Pnom-Penh. Sitting next to me was Wilfrid Burchett. We were not
friends. But on hearing the news about President Diem’s death, he
turned to me and said: "It's unbelievable! They have killed the only
man with the ideas and the organisation that can stop us". ("Thật là
không thể tin được: chúng nó đã giết chết người duy nhất có tư tưởng
và tổ chức có thể chận chúng tôi"). Burchett không nói rõ "chúng nó
và "chúng tôi" là ai, nhưng ta cũng có thể thấy rõ là "chúng nó" là
phe chống cộng, và "chúng tôi" là phe cộng sản.
2/ Lúc trẻ, trước năm 1945, ở Huế,
tôi quen bà Hồ Thị Mộng Chi. Bà này là con Cụ Thượng Thơ Hồ Đắc
Khải, cháu gọi Bác sĩ Tôn Thất Tùng là cậu, và vợ Bác sĩ Đặng Văn
Hồ. Bác sĩ Tùng là bà con và hàng xóm, ở cách nhà tôi hai nhà, và Bà
Chi ở sít nhà Bác sĩ Tùng. Bà lại là bạn thân của Ông Tạ Quang Bửu,
thầy tôi. Nên chúng tôi qua lại thường, và tôi coi bà ấy như là
chị, và bà ấy cũng đối xử với tôi như em mình.
Sau 1945, bà Chi đem con đi
Pháp, ở Paris cho chúng đi học. Lúc đó tôi du học ở London. Mùa hè
nào cũng có về Paris chơi và ở nhà bà ấy, có khi ở cả tháng. Nhưng
sau 1954, bà tỏ ra thân với phía Bắc Việt, có lẽ vì Bác sĩ Tùng và
ông Bửu ở phía đó, cũng có thể vì Bác sĩ Hồ, lúc đó là Thiếu tá Quân
Y trong quân đội Việt Nam, mà lại thêm có vợ bé. Tôi thì cộng tác
với Tổng Thống Diệm. Vì vậy mà tôi không đi lại với gia đình Bà Chi
nữa.
Sau 1960, và nhất là sau
1968, thì "chiến tuyến" lại càng rõ ràng hơn nữa, vì Bà Chi làm bí
thơ cho Bà Nguyễn Thị Bình. Hai người con bà ấy cũng "anti-Saigon"
rất hăng, và khi "phe ta" thắng trận năm 1975 thì mẹ con đều dắt
nhau về Việt Nam thăm viếng ngay.
Qua bạn bè, đặc biệt là anh
Bửu Kỉnh (nay đã mất), một người bạn thân của gia đình bà Chi, mà
cũng thân tôi, tôi được biết như trên, nên sau 1975, tôi vẫn giữ
thái độ "kính nhi viễn chi". Nhưng một hôm, vào khoảng năm 1978,
nhân dịp ghé Paris, gặp anh Bửu Kỉnh, anh ấy bảo: " Sao toa không
đến thăm Chị Chi". Tôi trả lời: "Sức mấy! Chắc chi Chị ấy tiếp tui
mà đến!"
Anh Kỉnh lại nói: "Đến đi!
Chị hỏi thăm toa đó!" Tôi ngạc nhiên. Anh Kỉnh lại nói thêm: "Nay,
thay đổi rồi!". Tôi nghĩ: "À, như rứa!". Và một hai hôm sau, tôi
điện thoại đến bà Chi. Bà trả lời rất vui vẻ, xem như chẳng có gì
xảy ra giữa chị ấy và tôi từ 1954 cả, và bảo tôi đến chơi. Chị lại
nói thêm là Chị sẽ làm "purée de pomme de terre" cho tôi ăn. Xin nói
đó là món ăn mà trước 1954 bà ấy thường cho tôi ăn. Bà làm rất ngon,
và tôi rất thích.
Trong buổi tái ngộ, nói
chuyện lông bông luôn mấy giờ đồng hồ. Tôi ngồi nghe nhiều hơn là
nói, và nghe ba mẹ con đua nhau đả kích Việt Cộng kịch liệt! Tôi
sửng sốt. Tôi không dám hỏi tại sao, nhưng chỉ đoán, nhờ bà Chi nói
"tụi nó tệ lắm", và nhờ anh Bửu Kỉnh cho biết trước đó là trong
chuyến về Việt Nam bà không được Việt Cọng tiếp đón niềm nở, vì nó
thắng rồi nên không cần đến bà nữa. Bà thì lại tưởng rằng vì bà là
người có công, nhất là đã giúp cộng sản trong việc tuyên truyền (con
đại thần Triều Nguyễn mà lại đứng về phe cách mạng, bí thơ Bà
Nguyễn Thị Bình, ở ngay Paris, trong một cuộc đàm phán hệ trọng).
Người con thì có thổ lộ là
"tụi nó dốt quá" (nó nói rằng Mã Lai không phải là quốc gia độc lập,
còn Lê Đức Thọ, được anh ta dẫn đi coi thành tựu kinh tế kỹ nghệ
Pháp lúc viếng thăm Paris thì cho rằng "chẳng có gì đáng để ý")!!
Nhưng điều đáng ghi nhất là giây phút chót của cuộc tái ngộ. Lúc đó
cũng gần 12 giờ khuya. Bà Chi đưa tôi ra cửa, và cùng tôi đi mấy
bước ra giữa phố , lúc đó vắng. Tôi không hề đề cập gì đến ông Diệm
trong cuộc gặp gỡ, nhưng trước khi chia tay bà ta nói: "Nghĩ kỹ lại,
chỉ có Ông Diệm là hơn hết!".
3/ Chuyện thứ ba là một
chuyện về kiên nhẫn, hay có thể nói là lì lợm. Từ năm 1963 tôi hằng
nghĩ rằng Ông Hồ Chí Minh phải có chia sẻ với những người trong
Đảng một nhận định gì về cuộc đảo chánh. Nhưng sưu tầm tài liệu, hết
năm này qua năm khác, không thấy có một nhận định nào của Ông Hồ.
Tất nhiên, điều đáng làm nhất là hỏi những người gần gũi Ông Hồ.
Nhưng họ là người "phía bên kia", và họ lại ở Hà Nội. Làm được việc
này hầu như là vô hy vọng. Nhưng, may thay, tôi đã làm được.
Trong thời gian gần đây tôi
may mắn gặp một người từ Hà Nội, mà tôi quen khá thân trước năm
1954. Và cũng rất may, người này là một người hiếm có đã được chính
tai mình nghe Ông Hồ nhận định về vụ đảo chánh 1963.
Người này tuyệt đối cấm tôi
tiết lộ tên trong khi y còn sống, vì đây là một "bí mật thâm cung",
nên tôi chỉ gọi y là "Cán bộ X". Cán bộ X đã kể cho tôi nghe câu
chuyện như sau: Y là một người có mặt tại Phủ Chủ Tịch ở Hà Nội ngày
xảy ra đảo chánh ở Sài Gòn. Y thuộc một nhóm được Ông Hồ cho gặp
chiều ngày 2/11/1963.
Khi vào Phủ Chủ Tịch thì Ông
Hồ đang bận tiếp một phái đoàn gì đó. Y phải đợi ngoài hành lang.
Đang đợi thì thấy có người mang một bao thơ vào cho Ông Hồ. Nhìn
vào, thấy Ông mở thơ ra đọc, xong, không nói gì, bỏ thơ vào túi, rồi
tiếp tục tiếp khách. Một lúc sau, khách đi rồi, Ông cho gọi nhóm
của Cán bộ X vào, và nói: "Lúc nãy người ta báo cho Bác biết là Ông
Diệm vừa bị lật đổ. Ông Diệm là kẻ địch thủ ghê gớm nhứt của Bác.
Nay Ông đã bị loại rồi, thì chiến thắng chắc chắn sẽ về ta rồi."
Lịch sử Miền Nam Việt Nam từ
1963 đến 1975 có thể thâu gọn trong câu nói đó, và những người tự
nhận là thuộc về Đệ Nhứt Cộng Hoà nên nhắc nhủ những cá nhân, hay
đoàn thể, đã nhúng tay vào việc lật đổ và hạ sát Tổng Thống Ngô Đình
Diệm nên suy niệm về câu nói đó và trách nhiệm của mình về những gì
đã xảy ra từ 1963 đến nay.

