Quân Đoàn IV Quân Khu IV - Svay Rieng - Sư Đoàn 7 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa
Tình hình chiến sự trong giai đoạn 1968-1975

5/1970 - Tỉnh Svay Rieng của Cam Bốt tiếp giáp với
Việt Nam ở cả
hai Quân khu 3 và 4, có một vị trí chiến lược quan trọng do là hình thể đặc
biệt. Ngoài khu vực Mỏ Vẹt (Parrot's Beak) có hình mũi nhọn chọc thẳng vào tỉnh
Hậu Nghĩa, cách Thủ đô Sài Gòn khoảng 50km về phía tây bắc, còn có hai nhánh
nhỏ đâm thẳng vào tỉnh Kiến Tường (Khu vực Chân Tượng, Elephant's Foot) và ranh
giới hai tỉnh Tây Ninh và Hậu Nghĩa (Khu vực Cánh Thiên Thần, Angel's Wing).
Khi CSBV bắt đầu xâm lăng miền Nam bằng vũ lực, Hà Nội nổ lực xây dựng khu
vực căn cứ địa rộng lớn trong tỉnh Svay Rieng để làm bàn đạp tấn công vào lãnh
thổ Quân khu 3 và 4 của Việt Nam Cộng Hòa. Lợi dụng chủ trương trung lập nửa
vời của ông hoàng Sihanouk ở Cam Bốt để được hưởng lợi qua việc cung cấp dịch
vụ vận chuyển vũ khí, quân trang từ cảng Kompong Som (Sihanoukville) đến khu
vực căn cứ địa này và buôn bán thực phẩm, thuốc men cho CSBV, Hà Nội xây dựng
một hệ thống đường mòn vận chuyển nối liền Kompong Som và khu vực căn cứ địa,
chạy dọc theo biên giới từ Hà Tiên lên đến khu vực Mỏ Vẹt. Mỗi khi bị liên quân
VNCH-Hoa Kỳ đánh đuổi, Cộng quân lại rút chạy sang lãnh thổ Cam Bốt để hồi phục
và chờ cơ hội kế tiếp.
Tháng 3/1970, Quốc vương Sihanouk bị lật đổ, Thủ tướng Lon Nol lên nắm
quyền. Vào thời gian này, CSBV đã lập nhiều căn cứ địa trong nội địa Cam Bốt và
tập trung một số sư đoàn chủ lực để tiến hành các cuộc tấn công vào một số tỉnh
Cam Bốt gần biên giới. Tân chính phủ Cam Bốt yêu cầu Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng
Hòa thực hiện một loạt chiến dịch ven biên để truy quét Cộng quân. Đây là những
cuộc hành quân hỗn hợp với nỗ lực chính là các sư đoàn bộ binh VNCH thuộc các Quân
đoàn 3 và 4 và một số đơn vị tổng trừ bị.
Theo phân nhiệm, mỗi quân đoàn trách nhiệm một vùng hành quân. Trong phạm vi
của Quân đoàn 3, chiến dịch hành quân ngoại biên mang tên là Toàn Thắng 42,
xuất phát vào ngày 27 tháng 4/1970 với sự yểm trợ của các không đoàn chiến
thuật VNCH và Hoa Kỳ. Chỉ huy chiến dịch là Trung tướng Đỗ Cao Trí, Tư lệnh
Quân đoàn 3 và Vùng 3 Chiến thuật. Sư đoàn 18 Bộ binh được chọn là một trong
những mũi tiến quân chính. Tư lệnh SĐ 18 BB lúc bấy giờ là Chuẩn tướng Lâm
Quang Thơ. Theo kế hoạch của Quân đoàn 3, SĐ 18 BB chỉ để lại khu vực trách
nhiệm Trung đoàn 52 BB làm trừ bị. Hai trung đoàn kia tham gia chiến dịch hành
quân.
Đúng 7 giờ sáng ngày 29 tháng 4/1970, cuộc hành quân được khởi động. Lực
lượng tham chiến của Quân đoàn 3 trong giai đoạn đầu được chia thành hai chiến
đoàn đặc nhiệm.
Chiến đoàn 318 gồm hai Trung đoàn 43 và 48 thuộc SĐ 18 BB. Lực lượng yểm trợ
hỏa lực gồm có một tiểu đoàn Pháo binh 105 ly, hai pháo đội 155 ly, một pháo
đội hỗn hợp 105 và 155 ly của Pháo binh QD 3, các pháo đội Pháo binh SD 18 và 5
BB, 2 chi đoàn của Thiết đoàn 18 KB, các đơn vị Công binh Chiến đấu của QD 3 và
SD 18 BB.
Chiến đoàn 333 với lực lượng xung kích là liên đoàn LĐ
3 BĐQ. Lực lượng yểm trợ gồm có hai chi đoàn thuộc LĐ 3 KB, các pháo đội hỗn
hợp 105 và 155 ly.
5/1970 - Cả hai chiến đoàn cùng tiến về phía tây và
nam của vùng Mỏ Vẹt. Do quyết định của Quốc hội Hoa Kỳ hạn chế hoạt động quân
sự của lực lượng tham chiến, các cố vấn Hoa Kỳ chỉ được hoạt động quanh khu vực
biên giới trong vòng chu vi 30km và giới hạn trong phạm vi yểm trợ như tải
thương, tiếp vận…
Sau hai ngày liên tục tiến quân, ngày 1 tháng 5/1970, CĐ 318 đã tiến về phía
tây tỉnh Svay Rieng, tái lập an ninh trên quốc lộ 1 trên phần đất Cam Bốt về
đến biên giới Việt Nam. Trong hai tuần đầu tháng 5, các đơn vị của chiến đoàn
đã có nhiều cuộc chạm súng với Cộng quân nhưng chưa có những trận giao tranh
lớn. Từ giữa tháng 5, hai trung đoàn TRD 43 BB và TRD 48 BB cùng các đơn vị yểm
trợ đã bung rộng khu vực hoạt động trong nội địa Cam Bốt, tiến chiếm các mục
tiêu mà Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 đã giao phó.
Ngày 29 tháng 5/1970, cùng với kế hoạch hành quân của Quân đoàn 4, Bộ Tư
lệnh Quân đoàn 3 thực hiện giai đoạn 2 của chiến dịch Toàn Thắng 42. Theo kế
hoạch này, Chiến đoàn 318 hành quân về phía bắc-tây bắc của đồn điền Chup,
trong khi Chiến đoàn 333 tảo thanh phía tây-tây nam. Cuộc tiến quân của Chiến
đoàn 318 đã không gặp sự kháng cự đáng kể của Cộng quân nhưng phía cánh quân
của Chiến đoàn 333 đã đụng độ mạnh với các trung đoàn của Sư đoàn 7 CSBV.
Tiểu đoàn Biệt động quân đi đầu rơi vào ổ phục kích và bị tổn thất nặng. Bộ
Chỉ huy Chiến đoàn 333 tung hai tiểu đoàn BĐQ và 2 chi đoàn Thiết kỵ vào trận
địa để tiếp cứu. Không quân Việt-Mỹ cũng đã liên tục yểm trợ phi pháo. Trận
chiến diễn ra rất ác liệt và kéo dài trong suốt 4 giờ liền.
Đến trưa ngày 29 tháng 5/1970, Chiến đoàn 333 đẩy lùi được địch quân. Tuy
nhiên, tất cả các thiết vận xa M-113 đều bị lún trong vùng lầy. Khi trận chiến
đang xảy ra, Trung tướng Đỗ Cao Trí đã đáp trực thăng xuống ngay Bộ Chỉ huy
Hành quân của Chiến đoàn 333. Ông đã chỉ thị cho Bộ Tham mưu QĐ 3 ở Biên Hòa
khẩn cấp điều động lực lượng trừ bị không quân chiến thuật để yểm trợ cho Chiến
đoàn 333. Sau đó, Tướng Trí đã bay đến khu vực hành quân của Chiến đoàn 318 để
duyệt xét tình hình trận địa. Tại đây, ông cho lệnh Chiến đoàn 318 tạm ngưng
cuộc hành quân ở phía bắc đồn điền Chup, di chuyển toàn bộ lực lượng về phía
tây tiếp ứng cho Chiến đoàn 333. Trời đã tối nhưng Tướng Trí vẫn phải bay trở
lại khu vực hành quân của Chiến đoàn 333 để đôn đốc binh sĩ tìm mọi cách kéo
các thiết vận xa ra khỏi bùn lầy.
Ngay khi nhận được lệnh tiếp ứng Chiến đoàn 333, 4 giờ sáng ngày 30 tháng
5/1970, các đơn vị bộ binh của Chiến đoàn 318 đã được trực thăng vận xuống vùng
hành quân mới. Cùng lúc, hai pháo đội hỗn hợp 105 và 155 ly đã được các phi cơ
Chinook thả xuống vị trí đã định. Sự tăng viện kịp thời của Chiến đoàn 318 đã
giải tỏa được áp lực của Cộng quân, lập một vòng đai an toàn cho các phi đội
trực thăng đáp xuống để chở thương binh ra khỏi trận địa.
1/1971 - Đầu năm 1971, chuẩn bị cho cuộc hành quân
Toàn Thắng 1/71 trên lãnh thổ Cam Bốt, Lực lượng Xung kích QĐ 3, do Đại tá Trần
Quang Khôi chỉ huy, được thành lập gồm 3 chiến đoàn tổ chức như sau:
- Chiến đoàn 3 gồm LĐ 3 KB, 1 tiểu đoàn của LD 3 BDQ, 1 tiểu
đoàn của LD 5 BDQ và 1 pháo đội của Tiểu đoàn 46 PB.
- Chiến đoàn 333 gồm LĐ 3 BDQ, 1 thiết đoàn KB và 1 pháo đội của Tiểu đoàn 46
PB.
- Chiến đoàn 5 gồm LĐ 5 BDQ, 1 thiết đoàn KB và 1 pháo đội của Tiểu đoàn 46 PB.
Sáng ngày mồng 4 Tết, các lực lượng này ào ạt xuất phát tiến quân theo trục
lộ Thiện Ngôn, Xa Mát, vượt biên giới Cam Bốt, sang ngã ba Krek, cặp theo quốc
lộ 7, trực chỉ Kompong Cham. Mục tiêu là đồn điền Chup, theo tin tình báo nơi
đây là bản doanh của Trung ương Cục miền Nam
(Cục R). Ba Sư đoàn 5, 18 và 25 BB chịu trách nhiệm luân phiên nhau giữ an ninh
trục lộ từ Thiện Ngôn đến ngã ba Krek.
Khi lực lượng của ta tiến đến thành phố Suong, một quận lỵ trù phú của tỉnh
Kompongcham thì chạm súng ác liệt với Cộng quân. Trung tướng Đỗ Cao Trí, Tư
lệnh QD 3, đã có mặt ngay từ phút đầu trên bầu trời. Sau vài vòng quan sát mặt
trận, ông chỉ thị cho 3 chiến đoàn trưởng cố gắng thanh toán để tiến nhanh đến
mục tiêu chính là đồn điền Chup. Sau khi nhanh chóng thanh toán địch tại Suong,
CD 3 tiến sâu lên làm rào cản, án ngữ phía bắc đồn điền Chup, CD 333 càn quét
phía tây Chup dọc theo sông Cửu Long, CD 5 chia làm hai cánh, tiến quân theo
như lệnh hành quân đã phổ biến:
- TĐ 38 BĐQ với hai đại đội của TĐ 33 BĐQ làm lực lượng xung kích tiến quân
từ hướng nam lên hướng bắc, xuyên qua đồn điền Chup. Theo đề nghị của Trung tá
Ngô Minh Hồng, Tiểu đoàn trưởng TĐ 38 BĐQ, hai đại đội của TĐ 38 BĐQ được thay
thế bởi ĐĐ 5 TS/BĐQ.
- Chiến đoàn 5 càn quét rìa phía đông đồn điền Chup.
Tờ mờ sáng hai cánh quân xung kích đã bắt đầu vượt tuyến xuất phát. Cánh
quân DD 5 TS/BDQ tiến được khoảng 9km thì bắt đầu chạm địch. Đây là một trung
tâm huấn luyện tân binh mà địch chưa kịp di tản, trận chiến xảy ra thật ác
liệt. Nhờ pháo binh và trực thăng võ trang yểm trợ hữu hiệu, ban đầu binh sĩ
BDQ đã đẩy lùi được các cuộc tấn công của địch. Sau đó, khi trời tối, lực lượng
địch đã vận động từ xa tới bao vây tấn công tứ phía. Lúc bấy giờ liên lạc vô
tuyến với Chiến đoàn 5 bị tắc nghẽn, cánh quân TĐ 38 BĐQ bị cô lập. TĐ 30 BĐQ
của Thiếu tá Phan Văn Sành thuộc Chiến đoàn 3 cùng với một chi đoàn M-113 tăng
phái của Thiếu tá Nguyễn Văn Ron được phép Đại tá Khôi vào đồn điền Chup tiếp
cứu. Hai ngày sau, Thiếu tá Sành và Thiếu tá Ron anh dũng hy sinh tại phía nam
đồn điền Dambe.
Kế hoạch truy kích cục R tiếp diễn. Chiến đoàn 333 thiết lập một căn cứ hỏa
lực tại phía nam đồn điền Dambe. TĐ 30 BĐQ trở về Chiến đoàn 5 và được thay thế
bằng một tiểu đoàn của SĐ 25 BB. Đồng thời Chiến đoàn 3 được tăng phái thêm một
thiết đoàn, một pháo đội từ Chiến đoàn 5 cộng thêm một tiểu đoàn Công binh
Chiến Đấu, tiếp tục tiến quân dọc theo tỉnh lộ 7B, trực chỉ quận Chlong của
tỉnh Kratié.
Toàn bộ LĐ 5 BĐQ được trực thăng vận đổ xuống Chlong, để lập đầu cầu. Khi
hai đại đội của TĐ 33 BĐQ mới đổ quân thì được lệnh của Trung tướng Đỗ Cao Trí
tạm ngưng, để ĐĐ 5 TS/BĐQ xuống trước. Khi đại đội Trinh sát vừa xuống xong,
Tướng Trí đáp xuống hỏi thăm và trò chuyện với các anh em binh sĩ. Hôm sau ông
tử nạn, khi trực thăng vừa cất cánh từ Tây Ninh. Tướng Trí chết đi, QLVNCH mất
một thiên tài quân sự và để lại một lỗ hổng to tướng trên chiến trường. Trung
tướng Nguyễn văn Minh lên thay thế, đã lúng túng cả tuần lễ, rồi quyết định
triệt thoái khiến cho đoàn quân thiện chiến của QĐ 3 bị sa lầy tại Dambe.
Đại tá Trần quang Khôi, Tư lệnh Chiến trường, họp bàn cùng Đại tá Nguyễn văn
Đương, Liên đoàn trưởng LĐ 5 BĐQ kiêm Chiến đoàn trưởng Chiến đoàn 5, cho biết
là không thể kéo dài tình trạng nầy được, vì ba Sư đoàn 5, 7 và 9 CSBV sẽ xiết
chặt vòng vây.
Thiết đoàn 15 KB do Trung tá Nguyễn Văn Đồng chỉ huy và ĐĐ 5 TS/BĐQ được
giao cho nhiệm vụ phá vòng vây, thiết lập vị trí để đoàn quân thoát ra. Ngay
sau khi B-52 vừa trải thảm xong, ĐĐ 5 TS/BĐQ cùng với một chi đoàn M-113 của TD
15 KB, mở đường sang phía đông chọc thủng phòng tuyến địch. Đại đội Trinh sát
và chi đoàn M-113 đã sát cánh bên nhau chiến đấu thật anh dũng giữ vững trận
địa và bảo vệ đoạn hậu cho Lực lượng Xung kích QĐ 3 thoát khỏi vòng vây của
Cộng quân.
3/1974 - Sau Hiệp định Paris
1973, đơn vị chủ lực của CSBV hoạt động tại khu vực biên giới là Sư đoàn 5
CSBV. Sư đoàn này sau những tổn thất nặng nề tại An Lộc trong mùa Hè 1972, đã
rút về căn cứ địa trong tỉnh Svay Rieng để tái xây dựng. Sau đó, sư đoàn này đã
tăng cường cho chiến trường Quảng Đức ở Quân khu 2 cũng như khu vực Trị Pháp ở
Quân khu 4. Đầu năm 1974, Mặt trận B2 CSBV ra lệnh cho đơn vị này tập trung ở
phía nam tỉnh Svay Rieng, xung quanh Chi Phu, để có thể tấn công vào các tỉnh
Tây Ninh và Hậu Nghĩa ở Quân khu 3 cũng như Kiến Tường ở Quân khu 4.
Tại khu vực Chân Tượng tiếp giáp với Cam Bốt trong tỉnh Kiến Tường, VNCH đã
thiết lập căn cứ biên phòng Long Khốt. Vào ngày 28 tháng 3/1974, trong lúc quân
đội VNCH đang mở màn chiến dịch Svay Rieng thì SĐ 5 CSBV sử dụng Trung đoàn 275
và Tiểu đoàn 25 Đặc công cùng thiết giáp yểm trợ bắt đầu tấn công Long Khốt.
Được sự yểm trợ đắc lực của Không quân VNCH, lực lượng VNCH đã gây nhiều thiệt
hại cho Cộng quân. Tuy nhiên do áp lực CSBV vẫn tiếp tục duy trì lên khu vực
này nên Bộ Tư lệnh Tiền phương SĐ 7 BB phải di chuyển đến thị xã Mộc Hóa để chỉ
huy hai chiến đoàn giải tỏa cho Long Khốt. Chiến đoàn thứ nhất bao gồm Trung
đoàn 15 của Sư đoàn 9 BB cùng Thiết đoàn 16 KB, trong khi chiến đoàn thứ hai
gồm Trung đoàn 10 của Sư đoàn 7 BB được Thiết đoàn 6 KB yểm trợ. Sau 12 ngày
giao tranh, hai chiến đoàn đã đẩy lui được Cộng quân ra khỏi khu vực.
Ở phía nam của khu vực Cánh Thiên Thần, trong tỉnh Hậu Nghĩa, quân đội VNCH
có duy trì một căn cứ biên phòng tại Đức Huệ, cách biên giới Cam Bốt không đầy
5km. Ngày 27 tháng 3/ 1974, hai tiểu đoàn của Trung đoàn 6 thuộc SĐ 5 CSBV được
pháo binh yểm trợ, tấn công căn cứ Đức Huệ do Tiểu đoàn 83 BĐQ Biên phòng trấn
giữ.
Mặc dù tổn thất, lực lượng trú phòng đã chống trả dử dội và giữ vững căn cứ
khiến Cộng quân phải rút lui, để lại nhiều xác cùng vũ khí. Không chiếm được
Đức Huệ dễ dàng, địch quân chuyển sang phong tỏa căn cứ này, với sự tiếp sức
của Tiểu đoàn K7 Đặc công của tỉnh Long An. Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 phải cho một
lực lượng đặc nhiệm của SD 25 BB, gồm hai tiểu đoàn bộ binh, một chi đoàn M-48
của Thiết đoàn 22 Chiến xa, và Không quân yểm trợ hỏa lực để giải tỏa nhưng
không thành công. Cùng lúc này ở hướng đông của Quân khu 3, hai Sư đoàn 7 và 9
CSBV cũng bắt đầu gây áp lực lên tuyến phòng thủ bảo vệ Sài Gòn.
4/1974 - Đại tá Trần Quang Khôi, Tư lệnh LĐ 3 KB đề
nghị là muốn giải tỏa cho Đức Huệ phải đánh bọc vào khu vực căn cứ địa của CSBV
trên đất Cam Bốt. Kế hoạch hành quân của chiến dịch Svay Rieng của QLVNCH do
Ban Tham mưu Hành quân QĐ 3 soạn thảo sử dụng tổng cộng 18 tiểu đoàn và thiết
đoàn của Quân đoàn 3 với sự yểm trợ của 2 tiểu đoàn của Quân đoàn 4 từ tỉnh
Kiến Tường. Do tính chất chính trị của chiến dịch (hành quân cấp quân đoàn trên
lãnh thổ Cam Bốt), kế hoạch hành quân đã được bảo mật tối đa. Ngay cả Tòa Đại
sứ Hoa Kỳ và cơ quan DAO cũng chỉ được thông báo khi chiến dịch mở màn.
Giai đoạn 1 của chiến dịch khai diễn ngày 27 tháng 4/1974 khi Không quân
VNCH thực hiện 45 phi vụ oanh kích vào căn cứ địa của CSBV trong tỉnh Svay
Rieng. Cùng lúc này, hai tiểu đoàn Địa phương quân tảo thanh khu vực giữa sông
Vàm Cỏ Đông và phía bắc khu vực Cánh Thiên Thần. Từ Hiệp Hòa trong tỉnh Hậu
Nghĩa, hai tiểu đoàn của Trung đoàn 49 BB cùng hai tiểu đoàn của LĐ 7 BĐQ truy
quét về hướng Đức Huệ và biên giới Cam Bốt. Bảo vệ mặt nam là 3 tiểu đoàn ĐPQ
cũng tảo thanh từ phía bắc tỉnh Long An, giữa kinh Bo Bo và sông Vàm Cỏ Đông.
Trên lãnh thổ Quân khu 4, một tiểu đoàn xuất phát từ Mộc Hóa, vượt biên giới
Cam Bốt rồi thành lập một vị trí chốt chận trên tỉnh lộ 1012 trong tỉnh Svay
Rieng. Tiểu đoàn thứ hai cũng vượt biên giữa khu vực Chân Tượng và Mỏ Vẹt,
thành lập chốt chận thứ hai ở hướng đông nam khu vực.
Trong hai ngày đầu 27 và 28 tháng 4 của chiến dịch Svay Rieng, Không quân
VNCH đã yểm trợ hết sức đắc lực với gần 200 phi vụ oanh kích và tiếp tế. Sư
đoàn SĐ 3 KQ đã cho thành lập Bộ Chỉ huy Không trợ Tiền phương ở Củ Chi, cạnh
Bộ Tư lệnh Tiền phương Quân đoàn 3.
Giai đoạn 2, giai đoạn chính của chiến dịch Svay Rieng, bắt đầu ngày 29
tháng 4/1974, kéo dài ba ngày, trong đó các cánh quân bộ binh và thiết giáp
tiến song song vào khu vực hậu cứ của Sư đoàn 5 CSBV trong tỉnh Svay Rieng, rồi
di chuyển về phía tây và tây nam, trở lại phần đất Việt Nam trong tỉnh Hậu
Nghĩa. Để bảo mật tối đa, Đại tá Khôi cho cánh quân thiết kỵ rời khu vực Gò Dầu
Hạ di chuyển về hướng tỉnh Bình Dương, rồi bí mật trở lại khu vực tập trung vào
đêm 28 tháng 4/1974. Được Công binh Chiến đấu yểm trợ vượt sông Vàm Cỏ Đông,
đoàn chiến xa vượt biên ở phía tây thị trấn Gò Dầu Hạ.
Cánh bắc là nổ lực chính và tiến sâu nhất vào lãnh thổ Cam Bốt do Chiến đoàn
315 đảm nhiệm, gồm có thiết đoàn TĐ 15 KB và tiểu đoàn TĐ 64 BDQ, được một pháo
đội hổn hợp 105-155 ly yểm trợ. Chiến đoàn vượt biên ở phía nam quốc lộ 1, tiến
gần Chi Phu thì di chuyển về phía nam dọc theo tỉnh lộ 1012, truy đuổi Cộng
quân về vị trí chốt chận thứ nhất gần Chek.
Cánh giữa tiến song song với cánh bắc khoảng 2km về phía nam do Chiến đoàn
318 đảm nhiệm, gồm có thiết đoàn TĐ 18 KB và tiểu đoàn TĐ 36 BDQ, được một pháo
đội 105 ly yểm trợ. Chiến đoàn tiến sâu khoảng 10km rồi cũng di chuyển về phía
nam trở lại phần đất Việt Nam,
song song với cánh bắc.
Cánh nam vượt biên ở ngay bờ nam của khu vực Cánh Thiên Thần, tiến dọc theo
tỉnh lộ 1013 rồi chuyển về phía nam, dọc theo biên giới Việt Nam-Cam Bốt do
Chiến đoàn 310 đảm nhiệm. Cánh quân này gồm có chi đoàn CĐ 3/10 KB, một tiểu
đoàn của SĐ 18 BB, một tiểu đoàn của SD 25 BB, và một tiểu đoàn pháo binh. Khác
hai cánh kia, CĐ 310 không có chiến xa M-48 yểm trợ.
4/1974 - Đơn vị trừ bị ở Gò Dầu Hạ là Chiến đoàn 322
gồm hai chi đoàn Chiến xa M-48 còn lại của thiết đoàn TD 22 KB, một chi đoàn
M-113 của thiết đoàn TĐ 1 KB, một tiểu đoàn của SD 18 BB và một pháo đội 105
ly. Sư đoàn 3 KQ cũng cho sử dụng hơn 50 trực thăng UH-1 thực hiện các cuộc
không vận để đạt yếu tố thần tốc và bất ngờ. Từ Gò Dầu Hạ, Lữ đoàn 3 KB chỉ huy
toàn bộ các hoạt động của cuộc hành quân.
Trong ngày đầu tiên của giai đoạn 2, CĐ 315 tiến sâu vào trong lãnh thổ Cam
Bốt được 7km, gây nhiều thiệt hại cho Cộng quân. Ngày kế tiếp, chiến đoàn tiếp
tục tấn công. Ở phía nam, CĐ 318 cũng có thành công tương tự. Không quân VNCH
bay gần 200 phi vụ yểm trợ, tiêu diệt nhiều kho tiếp tế, công sự chiến đấu, vị
trí pháo binh và súng phòng không. Đến cuối tháng 4/1974, các đơn vị của Trung
đoàn 6 và 174 CSBV đang bảo vệ cho khu vực hậu cứ trong tỉnh Svay Rieng bị tổn
thất nặng, Trung đoàn 275 đang uy hiếp Long Khốt phải rút về trợ lực. Tuy nhiên
đơn vị này cũng đã bị Sư đoàn 7 BB đánh thiệt hại nặng ở Long Khốt.
Vì nhiều cuộc giao tranh tập trung ở hướng nam, Trung tướng Phạm Quốc Thuần,
Tư lệnh Quân đoàn 3, cho Chiến đoàn 322 thay Chiến đoàn 315 rút về Gò Dầu Hạ
làm trừ bị. Chiến đoàn 322 vượt biên tiến sâu 4km qua khu vực Cánh Thiên Thần
trong khi các tiểu đoàn của TRĐ 49 BB tiếp tục tảo thanh khu vực biên giới giữa
Đức Huệ và Gò Dầu Hạ. Ngày 6 tháng 5/1974, con đường độc đạo nối với căn cứ Đức
Huệ được giải tỏa và Công binh VNCH bắt đẩu tu bổ. Quân đội VNCH hoàn toàn kiểm
soát chiến trường và khu vực chiến lược Gò Dầu Hạ. CĐ 322 sau đó chuyển về phía
nam căn cứ địa Ba Thu, tây nam Đức Huệ và trở lại phần đất Việt Nam
vào ngày 10 tháng 5/1974.
Chiến dịch Svay Rieng 1974 là cuộc hành quân cấp quân đoàn sau cùng của
QLVNCH trong giai đoạn chót của cuộc chiến Việt Nam.
Chiến dịch tấn công này được thiết kế và thi hành một cách khéo léo với sự phối
hợp và yểm trợ tuyệt vời giữa bộ binh, thiết giáp, không quân và pháo binh
VNCH, gây thiệt hại nặng cho CSBV trong khi quân đội VNCH chỉ bị thiệt hại nhẹ,
khác với chiến dịch Hạ Lào đầu năm 1971, chứng tỏ khả năng trưởng thành nhanh
chóng về tham mưu và chỉ huy của QLVNCH.
http://www.mekongrepublic.com/vietnam/vn_infoloc.asp?sID=92&sParent=vn_unit&sUnit=SD%207%20BB&zoom=infounit&loc=SVAY%20RIENG
http://www.quansuvn.info/D_1-2_2-148_4-5347_5-10_6-1_17-10_14-2_15-2/
Trở về Sư Đoàn 7 Bộ Binh VNCH