I. Dẫn Nhập:
Năm 981, khi nhà Tống đang
mưu toan xâm lăng nước Ðại Cồ Việt, vua Lê Ðại Hành đã thường
xuyên thỉnh ý Thiền sư Pháp Thuận về vận nước Nam sẽ như thế nào.
Ngài Pháp Thuận đáp rằng:
Vận nước như dây cuốn
Trời Nam mở thái bình
Nhàn nhã nơi cung gấm
Cõi cõi hết đao binh
Ý nói vận nước dài hay ngắn
là tùy thuộc theo lòng dân có đoàn kết hay không, thiền sư Pháp
Thuận đã ví sự đoàn kết này như là bó dây cuộn lại (ngày nay ta
dùng hình ảnh bó đũa), có đoàn kết thì chắc chắn quân dân ta sẽ
chiến thắng giặc ngoại xâm và nước Nam được hưởng thái bình. Nhàn
nhã đây ý nói bậc làm vua hay những người lãnh đạo phải có tài có
đức thật sự thì các nơi mới hết nạn chiến tranh. Một ý nghĩa
khác của nhàn nhã là người lãnh đạo chính trị không xem nặng tổ
chức riêng hay dòng họ của mình; chỉ một lòng phụng sự đất nước
và dân tộc.
Vua Lê còn nhờ ngài Khuông
Việt thái sư cầu nguyện đức Tỳ Sa Môn Thiên Vương (là một vị thần
hộ trì ngôi Tam Bảo) tại núi Vệ Linh, ở đền do ngài đã dựng lên,
gia hộ cho quân dân nước Ðại Cồ Việt được chiến thắng quân nhà
Tống do Hầu Nhân Bảo dẫn đầu sang xâm lăng nước ta.
Một hôm vua nằm chiêm bao và
trông thấy hai vị tướng Trương Hạo Trương Hát là danh tướng của
Triệu Việt Vương. Triệu vương bị Nam Ðế đánh bại, nhiều lần ông
mời hai vị tướng này ra cộng tác nhưng họ đều từ chối, cuối cùng đã
lấy cái chết để giữ tròn chữ trung với Triệu Việt Vương. Sau khi
hai ông chết được phong làm thần và thấy nước Nam sắp bị kẻ thù
xâm lăng liền thị hiện để tiếp cứu. Sáng hôm sau vua Lê thuật lại
cho mọi người trong triều được biết, đồng thời lập đàn tràng cung
thỉnh và khấn rằng: "Thần nhân có thể giúp ta thành được công
nghiệp này thì việc phong thưởng và cúng đơm muôn đời sẽ không
hết". Cũng trong đêm ấy vua lại nằm mơ thấy hai vị ấy hiện về để
bái tạ. Một vị từ phía nam Bình Giang tới, vị khác từ sông Như
Nguyệt xuống, cả hai đều nhắm hướng trại đóng binh của quân Tống
mà tiến đánh.
Ngày 23 tháng 10, vào lúc
canh ba, khi trời tối mịt, gió lớn lửa dồn nổ ra, quân Tống tan
vỡ. Thần tàng hình trên không trung, cất tiếng ngâm:
Non sông nước Nam, vua nước Nam ở
Điều ấy đã định rõ trong sách trời.
Nếu như giặc Bắc sang xâm lược,
Thì sẽ bị lưỡi gươm sắc chém tan như chẻ tre (Dịch ý)
nguyên âm
Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư !
Quân Tống nghe thế hoảng sợ chen nhau bỏ chạy tứ tán, và quân dân Ðại Cồ Việt đã chiến thắng một cách vẻ vang.
Qua đó cho ta thấy rằng bài
thơ bốn câu được xem là Tuyên Ngôn Ðộc Lập đầu tiên của một nước
Ðại Cồ Việt thực sự tự do đã tuyên bố ngay từ năm 981 khi vua Lê
Ðại Hành chiến thắng quân xâm lăng nhà Tống, chứ không phải năm
1076 khi Lý Thường Kiệt cùng quân dân Đại Việt đánh bại nhà
Tống trên chiến tuyến Như Nguyệt. Nguồn gốc của bài thơ Thần được
ghi trong Lĩnh Nam Chích Quái của Trần Thế Pháp (biên soạn cuối
thế kỷ XIV), Vũ Quỳnh và Kiều Phú (biên soạn cuối thế kỷ XV)
v.v... Ngoài ra còn được Việt sử diễn âm cũng như Thiên nam ngữ
lục diễn đạt lại vào thế kỷ 16 và 17.
Sử gia Ngô Sĩ Liên khi biên
soạn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (gọi tắt là Toàn Thư) gần cuối thế
kỷ 15 đã đem bài thơ sông núi (bài thơ thần) trong truyện hai vị
thần ở Long Nhãn, Như Nguyệt (thuộc Lĩnh Nam Chích Quái) vào Toàn
Thư và gắn cho chiến trận trên sông Như Nguyệt năm 1076 do Thái
úy Lý Thường Kiệt chỉ huy. Ngụ ý của ông cho thấy là nhờ bài thơ
thần này đã có tác động rất lớn đến tinh thần chiến đấu của binh
sĩ và nhà Lý mới chiến thắng được quân xâm lược nhà Tống.
Sự thực là nhà Lý cũng như
Thái úy Lý Thường Kiệt đã chuẩn bị cuộc chiến chống quân Tống một
cách cẩn thận và kỹ lưỡng do đó đã tạo nên chiến thắng lẫy lừng
bên bờ sông Như Nguyệt năm 1076 là điều đương nhiên. Tuy nhiên nền
tảng của chiến thắng này đã được xây dựng từ chiến thắng quân
Tống năm 981 thời vua Lê Đại Hành.
II. Vận Nước Ý Dân Nam Quốc Sơn Hà năm 981:
Quả thực nền tảng của chiến
thắng năm 1076 của Lý Thường Kiệt đã được xây dựng từ năm 981.
Khi hai bài thơ Vận Nước và Nam Quốc (hay còn gọi là bài thơ thần)
đều xuất hiện trước sau trong cuộc chiến tranh vệ quốc năm 981
dưới thời vua Lê Đại Hành. Cả hai đều có chung nguồn gốc và tác
giả. Nguồn gốc và tác giả đó không ai khác hơn ngài Pháp Thuận
thiền sư.
Khi vua Lê Đại Hành mới lên
làm vua, theo Thuyền Uyển Tập Anh ghi Pháp Thuận thiền sư đã là
người giúp đỡ rất tích cực. Do đó vua Lê đã hết lòng tin tưởng
giao cho ngài phụ trách về mặt ngoại giao cho triều đình. Phụ trách
ngoại giao như vậy chẳng khác nào một vị bí thư của nhà vua. Nếu
không phải là một vị chơn tu đạo cao đức trọng, cũng như kiến
thức uyên thâm làm sao vua Lê Đại Hành có thể tin tưởng giao
trọng trách này được. Toàn Thư có nhắc đến vào mùa thu năm Canh
Thìn (980) vua Lê có đưa một phái bộ ngoại giao sang Tống gồm nha
hiệu Giang Cự Vọng và Vương Thiệu Tộ. Nội dung văn kiện ngoại
giao mà phái đoàn này mang theo nhằm "hoãn binh nhà Tống". Người
soạn văn kiện này cũng chính là Pháp Thuận thiền sư.
Song song, để chuẩn bị đất
nước đi vào cuộc chiến đối phó với sự xâm lăng nhà Tống đã gần
kề. Vua Lê Đại Hành đã cùng với Pháp Thuận thiền sư chuẩn bị về
nhiều mặt khác nhau cho đất nước từ quân sự, chính trị cho đến văn
hóa tư tưởng (phần dẫn nhập đã trình bày). Những biện pháp đó
nhằm huy động tối đa nội lực dân tộc để đối đầu với thế lực xâm
lăng hung hãn của nhà Tống do Triệu Khuông Nghĩa chủ trương.
Về mặt văn hóa tư tưởng cũng
như nghệ thuật lãnh đạo đất nước, ngài Pháp Thuận đã thường nhắc
nhở vua Lê qua bài thơ vận nước :
Nguyên âm:
Quốc tộ như đằng lạc
Nam thiên lý thái bình
Vô vi cư điện các
Xứ xứ tức đao binh
Nghĩa:
Vận nước như dây cuốn
Trời Nam mở thái bình
Nhàn nhã nơi cung gấm
Cõi cõi hết đao binh
Vận nước có vững chắc hay
không, là do người lãnh đạo anh minh, nhân nghĩa, đó là những
điểm tinh yếu mà bài thơ Vận Nước muốn nêu lên. Khi vận nước có vững
chắc thì đất nước mới giữ gìn được sự độc lập tự chủ. Và đây là
lý do tiếp theo để tạo điều kiện cho Bài thơ sông núi nước Nam
(hay Bài thơ thần) xuất hiện trên chiến tuyến sông Đồ Lỗ (Toàn
Thư gọi là sông Chi Lăng, Việt Sử Tiêu Án của Ngô Thời Sỹ gọi là
sông Bạch Đằng) nơi quân dân Đại Cồ Việt dưới sự chỉ huy của vua
Lê Đại Hành cùng tướng quân Phạm Cự Lượng đánh bại quân Tống của
Hầu Nhân Bảo. Bài thơ Sông núi (hay bài thơ thần) đã khẳng định
vị thế độc lập tự chủ của nước Đại Cồ Việt đối với nước Tầu
phương Bắc của nhà Tống.
Vận Nước Ý Dân Nam Quốc Sơn Hà 1
Vận Nước Ý Dân Nam Quốc Sơn Hà 2
Vận Nước Ý Dân Nam Quốc Sơn Hà 3
Vận Nước Ý Dân Nam Quốc Sơn Hà 4
Vận Nước Ý Dân Nam Quốc Sơn Hà 5
Vận Nước Ý Dân Nam Quốc Sơn Hà 6
Vận Nước Ý Dân Nam Quốc Sơn Hà 7